Thực hành ESG đang là một trong những các từ khóa được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, một góc nhìn tổng quan về thực hành ESG, các khung báo cáo phù hợp để doanh nghiệp có thể sử dụng và làm thước đo cho việc thực hành chiến lược ESG dài hạn vẫn là điều thắc mắc của nhiều người . Vì thế Vũ Phong Energy Group thực hiện bài viết này với hi vọng bài viết này sẽ giúp mọi người phần nào giải đáp các thắc mắc đó.
Tổng quát về ESG và các khung báo cáo.
ESG, viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội), và Governance (Quản trị), là một bộ tiêu chuẩn đánh giá mức độ phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Theo Wikipedia, ESG là “một tập hợp các tiêu chuẩn để đo lường mức độ trách nhiệm và bền vững của một công ty hoặc một khoản đầu tư cụ thể”. Việc áp dụng ESG giúp các doanh nghiệp nâng cao uy tín, thu hút đầu tư, và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội.
Hiện nay, có nhiều khung báo cáo ESG được các tổ chức quốc tế công nhận và sử dụng rộng rãi, bao gồm Khung báo cáo của Sáng kiến Báo cáo toàn cầu (GRI), Khung báo cáo của Hội đồng Báo cáo tích hợp quốc tế (IIRC), và Khung báo cáo của Hội đồng Báo cáo phát triển bền vững tiêu chuẩn (SASB). Mỗi khung báo cáo có những ưu điểm và phạm vi áp dụng riêng, tùy thuộc vào bối cảnh và mục tiêu chiến lược của từng doanh nghiệp.
GRI, với hơn 160 chính sách trên 60 quốc gia yêu cầu sử dụng, là một trong những khung ESG phổ biến nhất trên thế giới. Khung báo cáo này tập trung vào đánh giá tác động của doanh nghiệp lên các khía cạnh kinh tế, môi trường, xã hội, và quyền con người thông qua 3 tiêu chuẩn chung và 34 chủ đề chi tiết. Bằng cách áp dụng GRI, các doanh nghiệp có thể truyền tải thông điệp về cam kết phát triển bền vững, nâng cao hình ảnh và uy tín trước các bên liên quan.
Một số các khung báo cáo và tiêu chuẩn ESG tiêu biểu (Nguồn: Udemy)
Vì sao ESG quan trọng với các doanh nghiệp
Khi các tiêu chuẩn ESG được thực hiện, doanh nghiệp không chỉ mở rộng cơ hội thị trường mà còn tăng cường uy tín, giảm thiểu rủi ro về pháp lý, tài chính, và danh tiếng. ESG giúp doanh nghiệp khai thác các cơ hội mới và đóng góp tích cực cho xã hội và môi trường, từ đó xây dựng mối quan hệ bền vững cho các bên liên quan.
- Mở rộng cơ hội thị trường: Các doanh nghiệp thực hành ESG tốt có xu hướng thu hút nhiều khách hàng và nhà đầu tư quan tâm đến phát triển bền vững.
- Tăng cường uy tín: Thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nhất quán trong các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường.
- Giảm thiểu rủi ro: Minh bạch và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp tránh được nhiều rủi ro về pháp lý và tài chính.
Cụ thể, như FedEx đã quyết định chuyển đổi 20% phương tiện của mình sang động cơ điện hoặc hybrid, nhờ đó trở nên bền vững hơn và tiết kiệm chi phí nhiên liệu. Tính đến năm 2020, FedEx đã đạt được mục tiêu 20% này, giúp giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hơn 50 triệu gallon. Hay như 3M – công ty từ lâu đã hiểu rằng việc chủ động xử lý rủi ro môi trường có thể là nguồn lợi thế cạnh tranh. Công ty đã tiết kiệm được 2,2 tỷ USD với chương trình “chi trả cho việc ngăn ngừa ô nhiễm” (3Ps). Ngay từ năm 1975, ngăn chặn ô nhiễm ngay từ đầu bằng cách cải tiến sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất, thiết kế lại thiết bị cũng như tái chế và tái sử dụng chất thải từ sản xuất.
Trong thời gian gần đây, các chiến lược triển khai ESG tại các doanh nghiệp không còn là 1 phần “nên cân nhắc” mà đang dần trở thành 1 phần “phải có” trong chiến lược phát triển. Do các chính sách, quy định liên quan ESG đang phát triển nhanh chóng trên toàn cầu, chính phủ các nước đang ban hành nhiều chính sách nhằm đảm bảo các doanh nghiệp muốn tham gia thị trường của quốc gia mình, buộc phải triển khai các giải pháp bền vững dựa trên 3 khía cạnh ESG. Ví dụ như tại EU, Đã ban hành chỉ thị Báo cáo Phát triển Bền vững của Doanh nghiệp (CSRD), yêu cầu tất cả các công ty lớn và tất cả các công ty đã niêm yết tại EU (ngoại trừ các doanh nghiệp siêu nhỏ đã niêm yết) công bố thông tin về những rủi ro và cơ hội được cho là nảy sinh từ các vấn đề xã hội và môi trường, cũng như về tác động của các hoạt động của doanh nghiệp đối với con người và môi trường.
Tình hình triển khai báo cáo ESG tại các khu vực (Nguồn: Udemy)
Triển khai ESG từng bước trong doanh nghiệp
Hiện nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ thực hiện một số hoạt động CSR tự phát, và vẫn chưa lưu tâm đến các chiến lược dài hạn của việc thực hành ESG. Hệ thống đo lường, quản trị dữ liệu của các công ty để thực hiện báo cáo ESG vẫn còn nhiều hạn chế và không theo chuẩn quốc tế. Vì thế, để thực hành ESG dài hạn, các doanh nghiệp cần từng bước xây dựng 1 hệ thống đo lường quản trị dựa trên các khung báo cáo quốc tế đã đề cập ở phần trên.
Việc thực hành ESG tại các doanh nghiệp, thực chất nên được thực hiện từng bước một, dựa trên khả năng và bối cảnh của từng công tỵ. Các doanh nghiệp có thể cân nhắc tập trung từ khía cạnh “Môi Trường” để bắt đầu. Ví dụ như những giải pháp mang tính nội bộ như hạn chế số lượng rác thải nhựa dùng một lần tại doanh nghiệp, hoặc giải pháp điện mặt trời chuyển dịch xanh, giảm phát thải theo phạm vi 2 hướng tới việc Net-Zero theo thời gian phù hợp, do các giải pháp ở khía cạnh môi trường luôn là phần minh bạch và dễ đo lường. Sức ép từ các chính sách như Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM), hoặc Đạo luật Cạnh tranh Sạch (Clean Competition Act) lại càng khiến việc chuyển dịch xanh trở nên được ưu tiên hơn bao giờ hết, để các doanh nghiệp có thể xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường quốc tế.
Cụ thể, nhà máy NGK Vinamilk tại Bình Dương là dự án đã đạt trung hòa carbon lượng khí thải theo phạm vi phát thải 1 và 2 vào năm 2022. Trong đó, dự án điện mặt trời mái nhà tại nhà máy với công suất 1MWp do Vũ Phong Energy Group triển khai đã góp phần giảm phát thải.
Điện mặt trời tại Nhà máy nước giải khát Việt Nam, Vũ Phong Energy Group thi công lắp đặt
Hành trình tiếp theo
Thực hành ESG và chuẩn hóa các hành động dựa trên các bộ khung như GRI, CDP sẽ là 1 phần xu hướng khó lòng thay đổi trong thời gian sắp tới. Trong đó, bên cạnh việc triển khai các hệ thống năng lượng tái tạo – như 1 phần rất quan trọng trong khía cạnh E để giảm khí thải nhà kính, thì những giải pháp cụ thể khác cũng sẽ cần được thực hiện, nhằm phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp mức phát thải lớn, có tên trong danh mục của Quyết định 01/2022/QĐ-TTg sẽ tập trung nhiều vào các phần có thể dễ dàng đo đạc và theo dõi một cách minh bạch như khía cạnh “E” qua các hoạt động kỹ thuật như tối ưu hóa năng lượng, xử lý chất thải hoặc thông qua các công cụ tài chính như giao dịch tín chỉ carbon, bù trừ hạn ngạch phát thải sau khi đã đầy đủ dữ liệu kiểm kê phát thải theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP Quy định Giảm nhẹ Phát thải Khí nhà kính và Bảo vệ tầng Ô-dôn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp khác không nằm trong danh mục, có thể cân nhắc dựa trên tiềm lực của mình để lựa chọn cách thức triển khai ESG phù hợp, hài hòa giữ lợi ích và chi phí bỏ ra, thông qua các hoạt động đơn giản hơn, như đảm bảo quyền lợi người lao động, chính sách cân bằng về giới, việc thúc đẩy đào tạo và phát triển cơ hội nghề nghiệp cho phụ nữ, người khuyết tật, và các cộng đồng bảo thủ. Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp trước công chúng mà còn tạo ra môi trường làm việc tích cực và hấp dẫn cho nhân viên. Việc thực hiện các biện pháp ESG không chỉ mang lại hiệu quả kinh doanh mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường sống. Đó chính là con đường mà mọi doanh nghiệp cần hướng đến trong tương lai.
Vì thế, song song với việc là đối tác đáng tin cậy cho các doanh nghiệp trong hành trình chuyển dịch năng lượng tái tạo, Vũ Phong Energy Group cùng các công ty thành viên sẽ tiếp tục cùng các doanh nghiệp trên hành trình thúc đẩy xanh hóa, hướng tới Net-Zero theo một lộ trình phù hợp với từng doanh nghiệp, tổ chức.
Cụ thể, VP Carbon (công ty thành viên của Vũ Phong Energy Group) sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn lộ trình, cung cấp các giải pháp Net-Zero và đăng ký, giao dịch các chứng chỉ năng lượng (I-RECs) và tín chỉ carbon (CERs). Tất cả nhằm mục tiêu giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, tạo ra một tương lai bền vững không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả xã hội.