Quyết định 768/QĐ-TTg: Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII – Nâng cao vai trò năng lượng tái tạo, hướng đến Net Zero

quyet-dinh-768-qd-ttg-dieu-chinh-quy-hoach-dien-viii

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 768/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/4/2025 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Năng lượng tái tạo là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng 

Quyết định nêu rõ 5 quan điểm phát triển:

Điện lực là ngành hạ tầng quan trọng, cần phát triển đi trước một bước nhằm tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước, phục vụ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao đời sống nhân dân và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Phát triển điện lực theo nguyên tắc tối ưu tổng thể – từ nguồn điện, truyền tải, phân phối đến sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm – đồng thời gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chuyển đổi mô hình kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia với chi phí hợp lý.

Quy hoạch điện dựa trên cơ sở khoa học, có tính động và mở, kế thừa hợp lý và ứng dụng công nghệ mới. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên năng lượng trong nước phải hiệu quả, kết hợp nhập khẩu hợp lý, và coi trọng năng lượng tái tạo, năng lượng mới như động lực để hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng bền vững.

Đẩy mạnh đầu tư và thu hút đa dạng thành phần kinh tế, phát triển nhanh ngành điện theo nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh, vận hành theo cơ chế thị trường điện với giá điện hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người sử dụng điện và toàn xã hội.

Bám sát xu hướng khoa học – công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và năng lượng mới, gắn với quá trình chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp. Việc chuyển dịch năng lượng cần bảo đảm công bằng, bền vững và phù hợp xu thế quốc tế.

Mục tiêu tổng quát là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, thực hiện thành công chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển lưới điện thông minh, nâng cao quản trị hệ thống điện, từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hiện đại dựa trên năng lượng tái tạo và năng lượng mới – phù hợp với xu thế phát triển xanh và giảm phát thải trên toàn cầu.

Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt 74 – 75% 

Về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đặt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10,0%/năm trong giai đoạn 2026 – 2030, khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 – 2050. Điện thương phẩm năm 2030 đạt khoảng 500,4 – 557,8 tỷ kWh; định hướng năm 2050 đạt khoảng 1.237,7 – 1.375,1 tỷ kWh. Điện sản xuất và nhập khẩu năm 2030 đạt khoảng 560,4 – 624,6 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.360,1 – 1.511,1 tỷ kWh. Công suất cực đại năm 2030 khoảng 89.655 – 99.934 MW; năm 2050 đạt khoảng 205.732 – 228.570 MW.

Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

Điện mặt trời (gồm điện mặt trời tập trung và điện mặt trời mái nhà, không bao gồm các nguồn điện mặt trời theo khoản 5 Điều 10 Luật Điện lực số 61/2024/QH15): 46.459 – 73.416 MW (chiếm tỷ lệ 25,3 – 31,1%).

Để xem thêm chi tiết, xin mời Quý Anh/chị truy cập tại đây