Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi với lượng bức xạ mặt trời và tổng số giờ nắng trong năm cao, khu vực Nam Bộ có nhiều tiềm năng phát triển điện mặt trời. Nguồn năng lượng sạch này cũng được nhận định có ý nghĩa quan trọng trong xu hướng tăng trưởng của khu vực.
Nam Bộ có điều kiện thuận lợi phát triển điện mặt trời
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng nguồn năng lượng mặt trời rất lớn. Số liệu từ Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 963.000 MW, trong đó mặt đất khoảng 837.400 MW, mặt nước khoảng 77.400 MW và mái nhà khoảng 48.200 MW.
Theo bản đồ bức xạ do Ngân hàng Thế giới (WB) phát triển, cường độ bức xạ mặt trời ở Việt Nam dao động từ 897-2.108 kWh/m2/năm, tương đương 2,46 và 5,77 kWh/m2/ngày. Cường độ bức xạ cao nhất tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ như Đắk Lắk, Gia Lai, Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh và Bình Phước.
Cùng với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, khu vực Nam Bộ có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhất để phát triển điện mặt trời với số giờ nắng đạt 2.000-2.600 giờ/năm và lượng bức xạ mặt trời lớn. Chẳng hạn như, tại TP.HCM, lượng bức xạ mặt trời trung bình đạt khoảng 1.581 kWh/m2/năm, cao nhất là 6,3 kWh/m2/ngày. Không chỉ có tiềm năng về lý thuyết, tiềm năng kỹ thuật cũng rất cao. Theo Đề án phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2026-2030, chỉ tính riêng cho khối doanh nghiệp sản xuất, tiềm năng năng lượng mặt trời áp mái đến năm 2030 đạt 1.589 MWp.
Khu vực Nam Bộ có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển điện mặt trời
Việc phát triển điện mặt trời, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà, cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự tăng trưởng của khu vực. Đó là bởi, Đông Nam Bộ được biết đến là đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt có hệ thống khu, cụm công nghiệp phát triển bậc nhất cả nước (chiếm 30,6%) gắn với các hành lang kinh tế. Theo Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được nhất trí thông qua, kịch bản phát triển trong giai đoạn 2021-2030 của vùng Đông Nam Bộ được lựa chọn có tốc độ tăng trưởng trung bình 8-9%/năm. Điện mặt trời mái nhà vì thế sẽ có ý nghĩa quan trọng góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng cho tốc độ tăng trưởng này.
Trong khi đó, ở vùng Tây Nam Bộ, nhiều tỉnh thành như Bến Tre, Cà Mau… cũng có định hướng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chẳng hạn như, ở Quy hoạch Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng xây dựng Cà Mau trở thành trung tâm chế biến thủy sản và trung tâm năng lượng tái tạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước; trong đó khuyến khích phát triển hệ thống điện mặt trời với hình thức tự sản, tự tiêu.
Giải pháp phát triển điện mặt trời khu vực Nam Bộ
Tại Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tại khu vực Nam Bộ” do Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ và Trường Đại học Tài chính – Marketing tổ chức ngày 21/12/2023, ông Phạm Đăng An – Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group, Giám đốc VP Carbon – đã đóng góp một số gợi ý từ góc nhìn doanh nghiệp để phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực Nam Bộ, trong đó có những điểm chính quan trọng liên quan đến các chính sách năng lượng xanh, chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) và việc xây dựng các mối quan hệ đối tác cùng phát triển.
Ông Phạm Đăng An – Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group, Giám đốc VP Carbon – chia sẻ tại hội thảo
Cụ thể, theo ông Phạm Đăng An, khu vực Nam Bộ có thể khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời nói riêng, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất… Các khu công nghiệp thông minh và bền vững, chú trọng các giải pháp tự động hóa, áp dụng quy trình sản xuất thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo… sẽ mang lại sự an toàn, đáng tin cậy, hiệu quả cho các doanh nghiệp. Phát triển các hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đồng thời giúp tăng nguồn cung điện tại chỗ, góp phần tăng năng lực cung ứng cho hệ thống điện địa phương – khu vực và giảm áp lực lên hệ thống truyền tải, phân phối điện.
Để khai thác tiềm năng này, rất cần các chính sách ủng hộ doanh nghiệp sử dụng năng lượng xanh và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng như điện mặt trời tự tiêu thụ, khuyến khích & tạo điều kiện thuận lợi cho giải pháp mua bán điện trực tiếp DPPA. Bên cạnh đó, trong bối cảnh toàn cầu đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, việc hợp tác giữa các doanh nghiệp để đăng ký và giao dịch chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) vừa thúc đẩy lộ trình đạt được 100% tiêu thụ năng lượng tái tạo vừa khai thác tối ưu hiệu quả của hệ thống. Ông Đăng An cũng nhấn mạnh vai trò của quan hệ đối tác cùng phát triển, như sự hợp tác với các đơn vị tại địa phương và khu vực để nghiên cứu, phát triển năng lượng tái tạo; thiết lập các chương trình đồng hành cùng các nhãn hàng toàn cầu để phát triển công nghệ cải tiến, sản xuất sạch hơn và hiệu quả hơn…
Quang cảnh Hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo tại khu vực Nam Bộ” ngày 21/12/2023
Trong xu hướng chuyển đổi xanh hướng tới mục tiêu chung của quốc gia về giảm phát thải và Net Zero vào năm 2050, đặc biệt với vai trò sẽ là nguồn cung năng lượng của cả nước, việc có những cơ chế chính sách phù hợp càng có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở khu vực Nam Bộ. Và để có được giải pháp mang tính tổng thể & triển khai hiệu quả các giải pháp ấy, rất cần sự kết hợp chặt chẽ của cả Chính phủ, doanh nghiệp cùng các nhà khoa học.